Cây trồng vụ đông đã góp phần đáng kể vào tổng sản lượng lương thực, thực phẩm hàng năm và đảm bảo nhu cầu về thực phẩm của người dân. Để các loại cây màu vụ đông sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, bà con cần lưu ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau.
- Chăm sóc cây ngô:
- Đối với diện tích ngô áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu:
+ Để hạn chế ảnh hưởng xấu của những trận mưa lớn đầu vụ, sau khi trồng ngô xong cần làm rãnh thoát nước, cứ 2 – 3 hàng ngô đào một rãnh nước với kích thước rộng 25 – 30cm, sâu 25cm để khi gặp mưa to không bị ngập úng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.
+ Xới xáo nhẹ mặt luống để đất xốp thoáng, thuận lợi cho quá trình bón phân và giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.
- Đối với diện tích ngô trước khi trồng mới chỉ bón lót phân chuồng mà chưa bón phân lân, cần tập trung bón bổ sung ngay khi ngô được 3 – 5 lá với lượng 15 – 18 kg/sào.
+ Cách bón như sau: Ngâm supe lân với nước hoặc nước phân chuồng ít nhất trong một tuần, sau đó pha loãng hỗn hợp phân với nước theo tỷ lệ 2 phần phân /100 phần nước tưới cho ngô để kịp thời cung cấp dinh dưỡng và lân dễ tiêu cho ngô, phòng bệnh huyết dụ chân chì. Tưới 2 – 3 lần cách nhau 5 – 7 ngày.
+ Bón thúc cho ngô: Với diện tích 1 sào cần bón 12kg đạm + 6 – 8kg kali, khi bón làm 3 lần theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây:
Lần 1: Khi ngô được 3 – 5 lá, bón 3 – 4kg đạm + 2 – 3kg kali. Bón cách gốc 3 – 5cm, lấp đất kín phân giúp cây tăng khả năng quang hợp, bộ rễ phát triển khỏe mạnh.
Lần 2: Khi ngô có 7 – 9 lá, bón 3 – 4kg đạm + 2 – 3kg kali. Bón cách gốc 3 – 5cm kết hợp xới xáo lấp đất kín phân.
Lần 3: Giai đoạn ngô xoáy nõn ( trước trỗ cờ 10 – 15ngày) bón 3 – 4kg đạm + 2 – 3kg kali. Bón cách gốc 3 – 5cm kết hợp vui xới lấp đất kín phân, tạo điều kiện cho rễ chân kiềng phát triển.
- Với ngô trồng trên đất ruộng ướt bà con cũng bón phân và chăm sóc như trên. Sau mỗi lần bón phân vét bùn dưỡi rãnh phủ lên gốc và luống ngô để tăng hiệu quả của phân bón đồng thời hạn chế cỏ dại.
- Chăm sóc cây khoai lang.
- Bấm ngọn: khi thân chính dài khoảng 40 – 50cm, bà con nên tiến hành bấm ngọn để hạn chế sự vươn dài của thân chính, tăng nhanh sự phân cành, làm cho thân lá phát triển sớm. Dùng tay ngắt đầu ngọn khoai lang một đoạn ngắn 1 – 2cm.
- Nhấc dây: nhấc dây có tác dụng làm đứt rễ con để tập trung dinh dưỡng cho củ. Nhấc dây cần tiến hành thường xuyên, nhấc xong phải đặt đúng vị trí cũ không lật dây, tránh gây tổn thương đến thân lá.
- Kết hợp bón thúc giúp cây tăng khả năng tạo củ. Đồng thời chú ý thường xuyên vui xới làm cỏ.
- Tưới nước: Độ ẩm rất thích hợp với khoai lang từ 70 – 80%, sau trồng cần tưới nước giữ ẩm để thuận tiện cho quá trình bén rễ hồi xanh và tập trung tưới nước vào thời kỳ cuối để thuận lợi cho sự phát triển của củ. Cho nước vào ruộng ngập 1/3 – 1/2 luống, để qua một đêm cho nước ngấm vào luống khoai, sáng hôm sau rút cạn nước còn lại trên rãnh luống.
- Chăm sóc cây cà chua.
- Cà chua rất cần nước vào các giai đoạn ra quả rộ và giai đoạn quả phát triển mạnh, vì vậy ở những giai đoạn này, bà con nên tưới nước đầy đủ để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. Có thể áp dụng biện pháp tưới rãnh hoặc dùng ô doa để tưới.
- Bón thúc: Cà chua cần bón thúc 4 – 5 lần vào các thời kỳ quan trọng là khi cây bén rễ hồi xanh, ra nụ, ra quả rộ. Lượng phân thúc tăng dần theo các giai đoạn phát triển của cây. Bón tập trung nhất là lúc ra hoa và quả đang phát triển, sau đó mỗi lần thu hoạch lại bón thúc một lần cho cây trẻ lâu và quả đẹp mã.
- Bón qua lá: Vào thời kỳ trước khi ra hoa và sau khi đậu trái bà con có thể phun chế phẩm vi sinh pha với nước phun đều 2 mặt lá. Cách 7 – 10 ngày phun 1 lượt, giúp cây tăng tỷ lệ đậu quả. Tăng chất lượng quả đồng thời hạn chế sâu bệnh gây hại.
- Xới xáo: Sau trồng 7 – 10ngày cần xới phá váng, sau đó 2 – 3 tuần xới lần 2 kết hợp phun tạo điều kiện cho cây ra rễ phụ, thường xuyên giũ sạch cỏ dại và tạo sự thông thoáng để hạn chế sâu bệnh hại.
- Chăm sóc cây rau:
- Để rau phát triển tốt, cho năng suất cao, an toàn với người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường, bà con cần thường xuyên xới xáo làm cỏ, vun gốc cho rau đặc biệt là sau những trận mưa rào làm cho đất bị bí chặt.
- Tưới nước đủ ấm 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Tưới rãnh vào thời kỳ phát triển thân, lá.
Lưu ý:
- Không dùng phân hữu cơ tươi bón hoặc tưới cho rau, phân cần được ủ thật hoai mục.
- Tưới bằng nước sạch, không dùng nước ao tù đọng, nước cống rãnh, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý để tưới cho rau.
- Bón thúc phân định kỳ theo đặc điểm của từng loại rau:
+ Đối với rau cải bẹ, cải ngọt thời gian sinh trưởng ngắn, vì vậy lượng phân bón ít hơn.
+ Các loại cải bắp, súp lơ, cải bao…lượng bón nhiều hơn.
Bên cạnh việc bón phân, chăm sóc bảo đảm theo yêu cầu, bà con cần thường xuyên thăm đồng nắm bắt tình hình sâu, bệnh hại rau màu để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngày nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học…bà con có thể cân nhắc sử dụng vì những dòng sản phẩm sinh học an toàn và thân thiện với môi trường.
Chúc bà con thành công !
Viết bình luận